THEO DÕI SỨC KHỎE CỦA MẸ TRONG THAI KÌ

Hành trình chín tháng mang thai rất kỳ diệu nhưng cũng đầy thử thách đối với mẹ bầu, do đó theo dõi sát sao những thay đổi trong cơ thể là vô cùng quan trọng. Hãy cùng Chương trình Dinh dưỡng Mẹ và Bé sử dụng công cụ theo dõi sức khỏe của mẹ trong suốt thai kỳ để mẹ có thể lắng nghe cơ thể mình, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, chào đón thiên thần nhỏ đến với thế giới một cách tốt nhất.

1. Tầm quan trọng của việc theo dõi sức khỏe mẹ bầu trong thai kì

Việc theo dõi sức khỏe của mẹ trong suốt thai kì đóng vai trò vô cùng quan trọng, mẹ có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe hiện tại qua cân nặng để xem xét mức cân nặng cần tăng của mẹ từ đó xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ trải qua nhiều thay đổi lớn:

  • Cân nặng tăng: Cân nặng tăng là điều bình thường trong thai kì, tuy nhiên, mẹ cần tăng cân hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
  • Hormone thay đổi: Sự thay đổi hormone gây ra nhiều triệu chứng như ốm nghén, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng...
  • Tử cung lớn dần: Tử cung lớn dần để chứa thai nhi, gây áp lực lên các cơ quan khác.
  • Nhu cầu dinh dưỡng tăng: CCơ thể mẹ cần nhiều năng lượng hơn để nuôi dưỡng thai nhi, vì vậy nhu cầu về protein, vitamin và khoáng chất tăng lên đáng kể.

Cũng chính vì nhu cầu dinh dưỡng tăng và các thay đổi lớn khác liên quan đến cân nặng của mẹ nên Chương trình Dinh dưỡng Mẹ và Bé đã tạo ra công cụ theo dõi sức khỏe của mẹ tại nhà đơn giản để mẹ có thể dễ dàng theo dõi mức độ tăng cân của mẹ trong giai đoạn thai kì.

Khi mang thai, mẹ cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng như Protein, Canxi, Sắt, Axit Folic, Vitamin D, I-ốt, v..v.. do đó mẹ cần kiểm soát cơ thể mẹ không bị nạp nhiều chất dinh dưỡng quá mức hay cơ thiếu mẹ đang bị thiếu chất dinh dưỡng cần thiết.

Với công cụ này mẹ có thể biết được tình trạng sức khỏe của mẹ như thế nào để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của mẹ và đưa ra biện pháp can thiệp dinh dưỡng kịp thời. Mẹ tăng cân quá nhanh hoặc quá chậm đều không tốt.

2. Tình trạng cân nặng và chỉ số BMI của mẹ trong thai kì phản ánh điều gì?

Chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) là một chỉ số quan trọng để đánh giá tình trạng cân nặng của một người, bao gồm cả mẹ bầu đang mang thai. Tùy theo BMI trước khi mang thai của mẹ ở mức độ gầy, bình thường hay thừa cân mà mức khuyến nghị cân nặng cần tăng trong thai kì của mẹ sẽ khác nhau.

Một số ý nghĩa của BMI trong việc xác định tình trạng cân nặng của mẹ trước thai kì. BMI trước khi mang thai có thể dự đoán nguy cơ mắc một số vấn đề trong thai kì như:

  • Thừa cân, béo phì: Tăng nguy cơ tiểu đường thai kì, tiền sản giật, sinh mổ, thai nhi quá lớn.
  • Gầy: Tăng nguy cơ sinh non, trẻ nhẹ cân, thiếu máu ở mẹ.

Vì thế BMI trước khi mang thai giúp mẹ xác định được cụ thể mục tiêu tăng cân hợp lý trong suốt thai kì để dễ dàng xây dựng chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của mẹ.

Phân loại theo BMI:

  • Gầy: BMI < 18,5
  • Bình thường: 18,5 ≤ BMI < 25
  • Thừa cân: BMI ≥ 25

Khi mẹ bắt đầu thai kì với cân nặng hợp lý (BMI trong khoảng bình thường) là rất tốt vì:

  • Như đã đề cập ở trên, việc thừa cân hoặc gầy trước khi mang thai đều có thể dẫn đến các biến chứng trong thai kì.
  • Cân nặng hợp lý giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển toàn diện.
  • Nếu bắt đầu với cân nặng phù hợp, mẹ bầu sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát cân nặng trong suốt thai kì, tránh tăng cân quá nhiều hoặc quá ít.
  • Cân nặng hợp lý giúp quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi hơn, giảm nguy cơ phải sinh mổ.

Đánh giá chỉ số BMI trước khi mang thai là bước đầu tiên quan trọng để đảm bảo một thai kì khỏe mạnh cho mẹ. Mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp, giúp duy trì cân nặng lý tưởng trong suốt thai kì mẹ nhé.

3. Mức độ tăng cân của mẹ trong từng giai đoạn thai kì

Mức độ tăng cân lý tưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chỉ số BMI trước khi mang thai là yếu tố quan trọng nhất. Mẹ có thể nhập thông tin để xem khuyến nghị mức cân nặng cần tăng theo bmi trước khi mang thai của mẹ.

3.1 Trong 3 tháng đầu thai kì (Tam cá nguyệt thứ nhất)

Tam cá nguyệt đầu tiên là giai đoạn đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Mức tăng cân lý tưởng trong giai đoạn này thường dao động khoảng 1kg, tuy nhiên có thể thay đổi tùy thuộc vào chỉ số BMI ban đầu của mẹ.

Giai đoạn mẹ bầu thường sẽ cảm thấy mệt mỏi, ốm nghén và chán ăn, vì thế mẹ hãy chú ý đến việc tăng cân hợp lý, ăn uống cân bằng, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết mẹ nhé. Nếu mẹ không ăn giảm cân quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Để giảm thiểu ốm nghén, mẹ bầu có thể ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa và uống đủ nước. Mặc dù có thể cảm thấy lo lắng về việc tăng cân, nhưng mẹ bầu nên nhớ rằng việc tăng cân hợp lý là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

3.2 Trong 3 tháng giữa thai kì (Tam cá nguyệt thứ hai)

Tam cá nguyệt thứ hai là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh chóng, các cơ quan bắt đầu hoàn thiện. Đây cũng là thời điểm mẹ bầu thường cảm thấy năng động hơn và bắt đầu thèm ăn nhiều hơn. Mức tăng cân lý tưởng trong giai đoạn này thường dao động từ 4-5 kg và có thể thay đổi tùy thuộc vào chỉ số BMI ban đầu của mẹ.

Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, mẹ bầu cần chú ý kiểm soát lượng thức ăn nạp vào, đặc biệt là các loại đồ ngọt, tinh bột. Đồng thời, cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu như canxi, sắt và protein để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.

Theo dõi cân nặng thường xuyên sẽ giúp mẹ bầu kiểm soát được quá trình tăng cân và điều chỉnh chế độ ăn uống kịp thời.

3.3 Trong 3 tháng cuối thai kì (Tam cá nguyệt thứ ba)

Tam cá nguyệt thứ ba là giai đoạn thai nhi phát triển mạnh mẽ nhất, chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể mẹ. Để chuẩn bị cho quá trình sinh nở và nuôi con, cơ thể mẹ sẽ tích trữ một lượng mỡ nhất định. Mức tăng cân lý tưởng trong giai đoạn này thường dao động từ 5-6kg.

Mẹ bầu cần theo dõi cân nặng thật kì trong giai đoạn này để tránh tăng cân quá nhanh, biểu hiện qua các triệu chứng như sưng chân, tay, mặt, khó thở, mệt mỏi. Có thể dẫn đến các biến chứng như tiểu đường thai kì, tăng huyết áp.

Hãy nhớ rằng, việc mẹ duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp mẹ bầu có một thai kì khỏe mạnh và một em bé khỏe mạnh. Bên cạnh việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, mẹ bầu cũng nên dành thời gian cho các hoạt động thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga để tăng cường sức khỏe và tinh thần.

4. Dinh dưỡng Mẹ và Bé luôn đồng hành cùng với mẹ trong giai đoạn thai kì

Chương trình Dinh dưỡng Mẹ và Bé luôn đồng hành cùng với mẹ trên hành trình làm mẹ ở phía trước để giúp mẹ bầu có một thai kì khỏe mạnh, an toàn.

Với công cụ theo dõi sức khỏe của mẹ tại nhà mà Chương trình Dinh dưỡng Mẹ và Bé thiết kế mẹ không cần phải lo lắng về cân nặng trong giai đoạn thai kì, mẹ có thể kiểm tra cân nặng, mức độ tăng cân để đánh giá tình trạng sức khỏe của cả mẹ và bé.

Chương trình Dinh dưỡng Mẹ và Bé còn cung cấp những thông tin hữu ích, ngân hàng thực đơn dinh dưỡng và công cụ hỗ trợ tự kiểm tra chế độ dinh dưỡng hiện tại có hợp lý hay không để mẹ bầu có thể tự theo dõi sức khỏe và xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh!